Lượt xem: 4141

Khắc phục bệnh “thành tích chủ nghĩa” trong bình xét cuối năm

Xem xét đánh giá đúng thành tích của các tập thể, cá nhân trong quá trình bình xét cuối năm từ cấp cơ sở đến Trung ương là một yêu cầu rất quan trọng. Khen thưởng đúng có tác dụng động viên, khích lệ, thúc đẩy phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, nếu khen thưởng không đúng sẽ tạo nên sự bất bình trong dư luận, hạn chế động cơ phấn đấu của những tập thể, cá nhân có thành tích thực sự.

    Bệnh “thành tích chủ nghĩa” là căn bệnh phô trương hình thức, làm ít nói nhiều, làm dở nói hay, báo cáo sai, tô hồng sự thật, che giấu khuyết điểm yếu kém để được cấp trên biểu dương, khen thưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đó là bệnh hữu danh, vô thực. “Làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch”[1]. Người còn chỉ rõ: “Thành công ít, thì suýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến. Thành thử cấp trên không hiểu rõ tình hình mà đặt chính sách cho đúng”[2]. Người khẳng định: “Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng”[3], bởi: “Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà cũng là một bệnh rất nguy hiểm”[4].


Sinh thời Hồ Chí Minh luôn căn dặn: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", " Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Nguồn bqllang.gov.vn

    Bệnh “thành tích chủ nghĩa” thường có ở những cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ trì cơ quan, đơn vị, những cá nhân cơ hội. Xuất phát từ động cơ cá nhân, do hám danh trục lợi mà tạo vỏ bọc hào nhoáng, che giấu thực chất bên trong, tạo dựng thành tích, uy tín giả để cấp trên đánh giá sai, cho mình là người có phẩm chất, năng lực tốt, có thành tích cao để được khen thưởng, cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm.

    Thực hiện nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhìn chung cấp ủy, chính quyền các cấp đã xem xét đánh giá tương đối khách quan thành tích của các tập thể, cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh đó không phải không có những cơ quan, đơn vị vì chạy theo thành tích đã cố ý báo cáo sai sự thật, khuyếch trương, tô hồng thành tích sao cho có sức thuyết phục cấp trên và tỏ ra nổi trội hơn các cơ quan, đơn vị khác. Đồng thời, lại có cả trường hợp che giấu khuyết điểm yếu kém, hợp lý hoá số liệu báo cáo để các chỉ tiêu đều đạt và vượt định mức đã đăng ký thi đua.

    Có cơ quan, đơn vị chỉ báo cáo những trường hợp cấp trên đã phát hiện ra đảng viên vi phạm kỷ luật, tổ chức đảng hữu khuynh không xử lý, vì nếu tỷ lệ đảng viên vi phạm kỷ luật cao thì tổ chức đảng sẽ không đạt trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị không đạt vững mạnh toàn diện. Do vậy, tác dụng giáo dục, ngăn ngừa thấp, đảng viên chậm chuyển biến tiến bộ. Vì chạy theo thành tích mà việc phân tích chất lượng, đánh giá xếp loại tổ chức đảng và đảng viên đã không phản ánh đúng thực chất.

    Căn bệnh này không chỉ có ở người lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị cơ sở, mà còn có cả ở người lãnh đạo, quản lý cấp trên. Đôi khi chính cấp trên đã “bật đèn xanh” cho cấp dưới báo cáo sai sự thật, thổi phồng thành tích, che giấu khuyết điểm để cơ sở được khen thưởng, đóng góp cho “thành tích chung”.

    Bệnh “thành tích chủ nghĩa” rất nguy hiểm, vì nó tích tụ mâu thuẫn bên trong, tạo ung nhọt có thể vỡ bất cứ lúc nào. Căn bệnh này thực chất chỉ có lợi cho một số ít cá nhân có chức, có quyền, nhưng lại có hại cho tập thể, cho tổ chức, tạo ra những kẻ dối trá, xu nịnh, những người thích được tâng bốc, khen ngợi. Nghiêm trọng hơn là nó tạo nên sự vững mạnh giả tạo, làm cho cấp trên lầm tưởng cái gì cũng hay, cũng tốt, làm cho Đảng, Nhà nước đánh giá sai sự thật, đề ra chủ trương lãnh đạo, biện pháp chỉ đạo thiếu khách quan, không sát thực tế.
Có nhiều nguyên nhân làm xuất hiện bệnh “thành tích chủ nghĩa”. Qua thực tế nghiên cứu, tìm hiểu việc thực hiện nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm  ở một số cơ quan, đơn vị cơ sở, bước đầu chúng tôi nhận thấy có 4 nguyên nhân sau:

    Một là, do chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người đảng viên nói chung, đảng viên có chức, có quyền nói riêng phát triển. Vì mang nặng chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết chăm lo, vun vén cho lợi ích riêng, quên lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng, đặt cái riêng lên trên cái chung mà bao che, giấu giếm khuyết điểm, khuyếch trương thành tích.

    Hai là, do cấp trên quan liêu, xa rời thực tế, không thường xuyên kiểm tra giám sát hoạt động của đơn vị cơ sở, hoặc có kiểm tra nhưng chung chung, hời hợt, nặng về hình thức. Không điều tra, khảo sát kỹ, không xuất phát từ hiện thực khách quan, không căn cứ vào khả năng thực tế của cấp dưới nên xác định chỉ tiêu, định mức không phù hợp.

    Ba là, do tính chiến đấu của các tổ chức nói chung, tổ chức cơ sở đảng nói riêng không được phát huy, tự phê bình và phê bình yếu. Cấp dưới sợ khuyết điểm, không dám chịu trách nhiệm, không đủ dũng cảm để nhìn thẳng vào sự thật, báo cáo đúng sự thật. Việc thực hiện quy chế dân chủ không nghiêm, vai trò của quần chúng không được phát huy. Quần chúng không nói không phải không có gì để nói mà họ nghĩ nói ra cấp trên sẽ không nghe, không xét đến, thậm chí có khi còn bị trù dập. Do đó, cấp trên không nghe được tiếng nói trung thực từ cơ sở và sự thật vẫn bị bưng bít.

    Bốn là, do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến thích khen hơn chê, thích sĩ diện, phô trương hình thức theo kiểu “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Đây là tư tưởng lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp trong xã hội hiện đại, cần phải bị loại bỏ.

    Để khắc phục bệnh “thành tích chủ nghĩa” trong bình xét cuối năm, trước hết, cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau:

    Thứ nhất, phải cải tiến phong cách và lề lối làm việc của cấp trên cơ sở, thực hiện đúng quy định chế độ đi cơ sở, tăng cường kiểm tra nắm chắc cơ sở, trực tiếp tiếp xúc đối thoại với quần chúng, lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của quần chúng, nhất là ý kiến trái ngược, thiết lập kênh thông tin đa chiều, biểu dương và bảo vệ những người nói đúng sự thật. Chủ động phát hiện tình hình, kiên quyết xử lý, khắc phục bệnh quan liêu qua nhiều tầng nấc trung gian, xa thực tế. Việc xác định chỉ tiêu định mức phấn đấu cho cơ sở nhất thiết phải khảo sát kỹ, nắm chắc tình hình, tính toán sát khả năng thực tế của cơ sở, bảo đảm tính khả thi, đồng thời hướng dẫn giúp đỡ để cơ sở phấn đấu.


Tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (từ ngày 2-10 đến 6-10-2018), Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định việc ban hành “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Ảnh: TTXVN

    Đổi mới phương pháp kiểm tra của cấp ủy, người đứng đầu và các cơ quan cấp trên đối với đơn vị cơ sở, tăng cường kiểm tra đột xuất, giữ bí mật về nội dung, thời gian, hình thức kiểm tra, không để cơ sở kịp chủ động đối phó. Kiểm tra từ dưới lên, kiểm tra nhân viên trước cán bộ sau, kiểm tra tại chỗ bằng người thật việc thật. Kết hợp kiểm tra sổ sách với hoạt động thực tiễn của đơn vị. Áp dụng hình thức kiểm tra chéo, đơn vị này cùng với cấp trên kiểm tra đơn vị kia và ngược lại. Các cơ quan cần xác định rõ mục đích, nhiệm vụ, quy định chế độ đi cơ sở, kiểm tra bám nắm cơ sở, chế độ phản ánh báo cáo cho đội ngũ chuyên viên theo dõi địa bàn. Chuyên viên địa bàn phải chịu trách nhiệm về tính khách quan, trung thực trong kết quả báo cáo của mình.

    Thứ hai, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phát huy dân chủ nội bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình. Quán triệt sâu sắc quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, nêu ưu điểm, vạch rõ khuyết điểm, kiên quyết đấu tranh chống biểu hiện hữu khuynh, né tránh, tư tưởng trung bình chủ nghĩa, nể nang, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, bàng quan, thiếu trách nhiệm.

    Thứ ba, duy trì nghiêm nền nếp chế độ sinh hoạt Đảng, chấn chỉnh nền nếp sinh hoạt chi bộ. Đổi mới công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, bảo đảm đúng tiêu chuẩn quy định trong Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 08/3/2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW, ngày 18/10/2019 của Ban Tổ chức Trung ương.

    Thứ tư, đẩy mạnh công tác thi đua tuyên truyền nêu gương người tốt việc tốt, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, cách làm hay, kinh nghiệm tốt. Đồng thời, lên án cái xấu, cái tiêu cực, biểu dương và bảo vệ những người dám đấu tranh vạch rõ khuyết điểm, yếu kém của tổ chức, của đơn vị, của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tạo dư luận phê phán những biểu hiện phô trương hình thức, sáo rỗng, không thiết thực, sùng bái cá nhân, thích khen hơn chê,…

    Thứ năm, thường xuyên coi trọng giáo dục rèn luyện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải tự giác tu dưỡng rèn luyện bản thân, trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu giữ gìn phẩm chất người cộng sản. Đặc biệt, đối với đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất thiết phải trung thực với Đảng, với cấp trên, phải coi việc nói dối Đảng, nói dối cấp trên, báo cáo sai sự thật, che giấu khuyết điểm là có tội với Đảng, vi phạm tư cách đảng viên, tổ chức đảng ở đó cần xem xét xử lý kỷ luật. Đề cao tinh thần đoàn kết, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng địa vị, cục bộ, hẹp hòi.

    Khắc phục bệnh “thành tích chủ nghĩa” là công việc đòi hỏi phải có sự thống nhất về tư tưởng, hành động, được tiến hành kiên trì và đồng bộ ở tất cả các cấp với nhiều giải pháp tích cực và chủ động. Trong đó, phải thật sự coi trọng biện pháp trọng tâm phát huy quyền làm chủ tập thể của đảng viên và quần chúng trong mỗi tổ chức đảng trên cơ sở nâng cao trình độ hiểu biết của đảng viên, quần chúng về phong trào thi đua, tránh tình trạng lôi kéo, tập hợp ý kiến của quần chúng làm bình phong cho những ý đồ cá nhân trong mỗi tập thể. Trong công tác trong bình xét cuối năm hiện nay, mỗi đảng viên và tổ chức đảng cần bám sát mục tiêu, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong từng thời gian, nắm chắc các văn bản hướng dẫn việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chính là biện pháp cơ bản nhất để chống “bệnh thành tích” trong bình xét cuối năm./.
Nguyễn Phi

Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 256 - 257.
[2] Sđd, tr. 302.
[3, 4] Sđd, tr. 257.


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 46
  • Hôm nay: 5899
  • Trong tuần: 76,606
  • Tất cả: 11,799,926